Từ một tiệm sách trong garage nhỏ đến đế chế bán lẻ hàng đầu
Amazon có khởi đầu khiêm tốn là một cửa hàng sách trực tuyến trong chiếc gara thuê của vợ chồng Jeff Bezos tại Bellevue, Washington. Những ngày đầu, công ty chỉ có mười nhân viên, hầu hết là lập trình viên phần mềm, đảm nhiệm các công việc từ lập trình cho đến đóng gói sách. Jeff Bezos, nhà sáng lập công ty, đã nhanh chóng nhận ra những cơ hội mới và mở rộng lĩnh vực kinh doanh của Amazon ngay sau đó. Vào năm 1998, công ty không chỉ bán sách mà còn nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như thực phẩm, đĩa CD, thời trang, linh kiện điện tử.... Để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng này, Bezos đã mua lại một số công ty nhỏ, giúp mở rộng quy mô và dịch vụ của Amazon. Tính đến năm 2024, doanh nghiệp này kinh doanh đến hơn 30 mặt hàng, với kết quả doanh số trong quý 3 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (158,9 tỷ USD).
Năm 2024, Amazon đứng thứ năm trên thế giới về vốn hóa thị trường, đạt mức định giá 1.045 nghìn tỷ USD. Công ty đã khẳng định được vị thế là một tập đoàn toàn cầu, đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cách thức mua sắm và tiêu dùng trên toàn thế giới. Không chỉ dừng lại ở việc giao hàng, Amazon còn cung cấp dịch vụ phát trực tuyến và phát triển các công nghệ tiên tiến như trợ lý ảo “Alexa”. Với sự thành công vượt bậc, Amazon đã trở thành một trong những thương hiệu mua sắm trực tuyến nổi tiếng nhất nhì thế giới.
Doanh thu của Amazon từ năm 2019 - 2023 (Nguồn: Stock Analysis)
Chiến lược kinh doanh của Amazon
Sự ra đời của Amazon Prime giúp tăng độ tín nhiệm của khách hàng
Một trong những dịch vụ danh tiếng và mang lại lợi nhuận lớn nhất của Amazon được ra đời lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2005, mang tên “Amazon Prime”. Ban đầu, dịch vụ này bao gồm gói đăng ký giao hàng miễn phí trong hai ngày không giới hạn, với mức phí 79 USD mỗi năm. Amazon Prime lúc đó thu hút một lượng khách hàng khá hạn chế, vì khái niệm mua sắm trực tuyến vẫn còn mới mẻ và mức phí đăng ký còn quá cao đối với khách hàng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau vài năm mở rộng dịch vụ, Amazon bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với Amazon Prime từ những năm 2010.
Doanh thu thuần của Amazon Prime từ năm 2014 đến Q2 2024 (Nguồn Evoca.tv)
Theo dữ liệu từ Search Logistics, Amazon đã chứng kiến sự gia tăng khoảng 29 tỷ USD doanh thu thuần từ năm 2013 đến 2021, với năm 2021 ghi nhận tổng doanh thu thuần từ Amazon Prime đạt 31,77 tỷ USD. Điều này chủ yếu nhờ vào việc tăng trưởng khoảng 28 triệu người đăng ký từ năm 2019-2021, khi đại dịch COVID-19 ở mức nghiêm trọng nhất và hầu hết các giao dịch phải thực hiện online.
Số lượng thành viên đăng ký Amazon Prime qua từng năm (Nguồn: Yaguara.co)
Nhờ vào tốc độ giao hàng nhanh chóng và tiện ích của việc giao hàng miễn phí, Amazon có thể tạo ra doanh thu lớn hơn mỗi năm từ các giao dịch của các thành viên Prime so với những khách hàng không phải thành viên. Theo một khảo sát năm 2024, chi tiêu trung bình mỗi năm của một thành viên Prime là 1.400 USD qua Amazon, trong khi những người không phải thành viên chỉ chi khoảng 600 USD mỗi năm.
Ngoài quyền lợi vận chuyển nhanh chóng, các thành viên đăng ký gói sẽ được tham gia Prime Day - sự kiện đặc biệt để tri ân các thành viên Amazon Prime với vô số ưu đãi về giá cả cho các khách hàng có nhu cầu mua sắm, giải trí, giao đồ ăn và nhiều dịch vụ khác…Amazon thông báo Prime Day 2024 là sự kiện mua sắm lớn nhất từ trước đến nay, với doanh số kỷ lục và số lượng sản phẩm bán ra trong hai ngày vượt qua tất cả các sự kiện Prime Day trước đó. Trong suốt 48 giờ sự kiện, các thành viên Prime trên toàn cầu đã tiết kiệm được hàng tỷ USD nhờ các ưu đãi trong mọi danh mục sản phẩm mua sắm. Chiến lược thương hiệu của Amazon ngay lập tức giải quyết được một nhu cầu có thật, rằng người mua hàng online muốn có một nền tảng thương mại điện tử để họ có thể mua bất cứ thứ gì, nhận hàng ở bất cứ đâu, trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể và với một mức giá ưu đãi nhất trên thị trường.
Từ A đến Z: Chiến lược kinh doanh đa ngành
Là sàn thương mại điện tử bán lẻ lớn nhất thế giới, Amazon cũng có cho mình những nguồn thu rất đa dạng từ các mô hình kinh doanh khác. Có thể kể đến 3 nguồn doanh thu chính của Amazon: Doanh thu từ bán lẻ trực tuyến, Cung cấp các dịch vụ lưu trữ AWS, Quảng cáo trực tuyến.
Doanh thu từ bán lẻ trực tuyến: Bán lẻ trực tuyến là nguồn doanh thu chính của sàn Amazon. Các sản phẩm được bán trên trang web của Amazon bao gồm sách, đĩa CD, sản phẩm điện tử, quần áo, đồ gia dụng và nhiều sản phẩm khác.
Affiliate Marketing: Chương trình tiếp thị liên kết của Amazon, hay “Amazon Associates”, là một trong những nền tảng tiếp thị liên kết đầu tiên trên thế giới, ra mắt vào năm 1996. Chương trình này hoàn toàn miễn phí để tham gia và đặc biệt thân thiện với người dùng, khi họ sẽ được chia 10-15% giá trị sản phẩm bán ra. Cho đến năm 2024, tổng doanh thu từ bên thứ 3 - trong đó có tiếp thị liên kết của Amazon đã chiếm tới 61% doanh thu tập đoàn này trong quý 1.
Doanh thu từ bên thứ 3 của Amazon 2007 - 2024 (Nguồn: Statista)
Amazon Web Services (AWS): Đây là con gà đẻ trứng vàng của gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Amazon. AWS là một nền tảng về điện toán đám mây (Cloud Computing) có thể nói là lớn nhất về mặt doanh số đến thời điểm hiện tại.
Quảng cáo trực tuyến: Amazon cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bao gồm quảng cáo trên trang web của Amazon và trên các trang web bên ngoài. Đây là một trong các thế mạnh của Amazon dựa vào lượng người truy cập khổng lồ trên trang web mỗi ngày, do đó góp phần rất lớn vào thành công của đế chế tỷ đô này.
Lợi nhuận của Amazon theo ngành hàng năm 2024 (Nguồn: Amazon)
Vận dụng M&A để mở rộng thị trường
Khi nhắc đến đế chế Amazon, có thể kể đến tổ hợp tiện ích xoay quanh trải nghiệm khách hàng như sau: Amazon Prime giúp mở rộng nhóm khách hàng trung thành bằng nhiều ưu đãi độc quyền, Amazon Fresh giúp tiếp cận nhóm khách hàng quen thuộc với bán lẻ truyền thống thông qua trợ lý Alexa, Amazon Live giúp người dùng tiếp cận hàng vạn reviewer và nhà sáng tạo nội dung uy tín – nhằm mục đích tham khảo hay tìm kiếm thông tin hữu ích về những sản phẩm mình muốn mua trên Amazon…
Thế nhưng, bên cạnh những dịch vụ đa dạng có sẵn của Amazon, doanh nghiệp này còn nổi tiếng với nhiều thương vụ mua lại trị giá hàng tỷ đô, như Whole Foods (13,7 tỷ) và MGM (8,5 tỷ)...Nhằm đa dạng doanh thu cốt lõi, Amazon đã mua lại nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ chăm sóc sức khỏe đến giải trí. Tổng cộng, gã khổng lồ công nghệ đã mua lại hoặc đầu tư vào hơn 128 công ty khác nhau trong 20 năm qua.
Những thương vụ M&A lớn nhất của Amazon (Nguồn: Cafebiz)
Whole Foods Market là một chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm hữu cơ và sản phẩm hữu cơ uy tín tại Hoa Kỳ. Được thành lập vào năm 1980 tại Austin, Texas, Whole Foods Market đã trở thành một biểu tượng trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ và bền vững.
Với hơn 500 cửa hàng tại các địa điểm khắp cả nước Hoa Kỳ và cả ở một số quốc gia khác, Whole Foods Market cung cấp một loạt rộng rãi các sản phẩm thực phẩm hữu cơ, sản phẩm thực phẩm đặc biệt và dịch vụ thực phẩm. Các cửa hàng Whole Foods Market thường tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm không chứa hóa chất và đã được chứng nhận hữu cơ, đồng thời thúc đẩy mô hình mua sắm bền vững và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Với cam kết về sự phân phối công bằng và môi trường, Whole Foods Market thường thúc đẩy các giá trị như bền vững, trách nhiệm xã hội và chuẩn mực cao về chất lượng sản phẩm. Điều này đã tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng quan tâm đến chất lượng thực phẩm và tầm ảnh hưởng xã hội tích cực.
Thương vụ Amazon mua Whole Foods đã mang lại những kết quả đáng chú ý cho cả hai bên, cũng như cho ngành bán lẻ thực phẩm. Amazon đã tăng doanh thu và thị phần trong mảng bán lẻ thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ và cao cấp, nhờ sử dụng chuỗi cửa hàng Whole Foods làm nhà kho và điểm nhận hàng cho dịch vụ giao hàng thực phẩm tươi sống AmazonFresh. Chiến lược giảm giá các mặt hàng tạp hóa của Whole Foods thu hút nhiều khách hàng mới và tăng lưu lượng truy cập vào các cửa hàng Amazon trực tuyến. Ngoài ra, thương hiệu này còn hợp nhất chuỗi cửa hàng Whole Foods vào hệ thống bán lẻ của mình, bao gồm cả Amazon Prime, Amazon Go và Amazon Echo.
Về phía Whole Foods, thương hiệu này hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Amazon về công nghệ, quản lý và tiếp thị, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ vào thương vụ M&A mà nhãn hàng có thể mở rộng thị trường của mình đến với nhiều khách hàng mới thông qua các kênh bán hàng trực tuyến của Amazon. Thương vụ này gây ra sự rung chuyển trong ngành bán lẻ thực phẩm, khiến các đối thủ của Amazon phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và áp lực giảm giá. Nhiều công ty bán lẻ khác đã phải tìm kiếm các đối tác chiến lược hoặc đầu tư vào công nghệ để duy trì vị thế của mình nhờ vào tầm nhìn chiến lược từ Amazon.
Không chỉ có Whole Foods, ngày 17/3/2022, Amazon thông báo đã hoàn tất thỏa thuận mua lại MGM Studios với giá 8,45 tỷ USD. Đây là mốc đánh dấu bước đi tham vọng trong lĩnh vực phát hành trực tuyến, trong đó có các bộ phim nhượng quyền thương mại (franchise) James Bond và Rocky. Thỏa thuận này giúp mở rộng kho phim Amazon Prime Video với khoảng 4.000 phim và 17.000 chương trình truyền hình, trong bối cảnh thị trường phát hành trực tuyến đang bùng nổ với sự cạnh tranh từ những đối thủ “nặng ký” như Netflix và Disney.
Từ hai case study trên, có thể thấy chiến lược M&A của Amazon đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công ty mở rộng nhanh chóng và đa dạng hóa sang các lĩnh vực mới, như bán lẻ thực phẩm với Whole Foods và kho phim trực tuyến với MGM. Thay vì phát triển các công nghệ mới từ đầu, Amazon đã tận dụng dịch vụ công ty sẵn có để tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc sáp nhập với các công ty công nghệ và dịch vụ giúp Amazon củng cố lợi thế cạnh tranh, nâng cao định vị thương hiệu. M&A không chỉ giúp Amazon tăng trưởng đáng kể mà còn xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài để duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường toàn cầu.
Sự trỗi dậy của những đế chế thương mại điện tử đang lăm le vị thế Amazon
Trên phạm vi toàn cầu, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã phả hơi nóng vào cuộc đua thương mại điện tử - đe dọa đến vị thế dẫn đầu của đế chế Amazon. Nhờ sự kết hợp giữa mức giá cực rẻ, giao hàng miễn phí và chi tiêu mạnh tay cho tiếp thị và truyền thông, những nền tảng này đã dần dần bắt kịp với lợi thế tưởng rằng chỉ có duy nhất tại Amazon. Trong đó, không thể không kể đến Temu, Alibaba, Shein và Tiktok Shop.
Theo Goldman Sachs, Temu đã chi gần 3 tỷ USD cho các hoạt động tiếp thị trong năm 2023. Trong đó riêng chi phí quảng cáo trên Meta đã tốn 1,2 tỷ USD. Con số khổng lồ này đã đưa Temu trở thành một những nhà quảng cáo trực tuyến lớn nhất nước Mỹ cùng với Amazon, chứng tỏ tham vọng trong việc lăm le thị trường này đến từ nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.
Chỉ trong vài năm, Shein, từ một thương hiệu bán quần áo giá rẻ tại Trung Quốc, đã trở thành gã khổng lồ ngành thời trang nhanh toàn cầu. Thậm chí, nền tảng này còn đang tham vọng đọ sức với ‘bậc lão niên’ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nền tảng này đã góp phần thay đổi xu hướng mua thời trang nhanh chuyển từ mua sàn thương mại điện tử trung gian, sang trực tiếp các nền tảng thương mại điện tử tập trung chính vào mảng thời trang. Chính vì vậy, trong tương lai, Amazon có thể sẽ không còn là điểm đến đầu tiên cho khách hàng mua sắm thời trang nhanh trên không gian mạng.
Trong bối cảnh khác, Bloomberg dẫn nguồn tin tiết lộ TikTok Shop đang đặt mục tiêu tăng tổng giá trị hàng hoá trong mảng thương mại điện tử tại Mỹ gấp 10 lần lên 17,5 tỷ USD trong năm nay và kế hoạch ấy sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn cho tập đoàn Amazon. Mục tiêu đầy tham vọng của TikTok lại càng phả thêm hơi nóng cho cuộc chơi thương mại điện tử ở Mỹ, nơi có tập đoàn Amazon và cả các công ty đến từ Trung Quốc. Không giống những doanh nghiệp "đồng hương", TikTok đang dựa vào khả năng tiếp cận trên mạng xã hội và sức hấp dẫn của các video dễ thành xu hướng để thu hút người mua. Năm ngoái, tổng giá trị hàng hoá của TikTok Shop trên toàn cầu ước đạt 20 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á đóng góp phần lớn doanh thu. Tuy nhiên, tăng trưởng của Tiktok Shop tại thị trường Mỹ cũng rất đáng gờm dù chỉ mới đi vào vận hành 2 năm.
Thị phần của TikTok Shop tại một số quốc gia năm 2024 (Nguồn: Influencer Marketing Hub)
Nhưng không chỉ có Shein và Tiktok Shop, mà Temu và Alibaba cũng đang nhanh chóng trỗi dậy để theo kịp ông lớn ngành thương mại điện tử. Theo công ty nghiên cứu Global Wireless Solutions của Hoa Kỳ, vào năm 2023, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã dành 11 phút mỗi ngày để sử dụng ứng dụng Amazon. Mặt khác, người tiêu dùng Temu đã dành 22 phút mỗi ngày để sử dụng ứng dụng của mình, ứng dụng này thu hút sự quan tâm bằng cách thường xuyên phát hành phiếu giảm giá.
Theo cuộc khảo sát với 1.000 người tiêu dùng Hoa Kỳ do Jungle Scout, một dịch vụ phân tích dành cho người bán thực hiện, 52% người tham gia khảo sát cho biết họ tìm kiếm sản phẩm trên Amazon lần đầu tiên khi mua sắm trực tuyến vào tháng 4 đến tháng 6, giảm 9 điểm phần trăm so với hai năm trước. Doanh số bán hàng từ hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến của Amazon đã tăng 5% so với cùng kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, chậm lại từ mức tăng 7% trong tháng 1 đến tháng 3. Điều đó chứng tỏ, dù sự trỗi dậy của các đế chế thương mại điện tử Trung Quốc vẫn chưa thật sự giáng đòn quá mạnh lên doanh thu của Amazon, nhưng những dấu hiệu về sự chia năm xẻ bảy thị phần đang dần xuất hiện, đòi hỏi Amazon cần phải đi trước cuộc đua trong bối cảnh suy thoái kinh tế và hàng hoá nội địa Trung Quốc ngày càng rẻ.
Tuy nhiên, cuộc đua này vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Mỹ và Liên minh châu Âu - hai thị trường trọng điểm của Amazon đang theo dõi rất sát sao các nền tảng thương mại nước ngoài gia nhập và hoạt động tại khu vực của họ. Các nhà chức trách EU đã bày tỏ quan ngại về sự tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cũng như nguy cơ hàng giả. Sự gia tăng đột ngột của hàng hóa siêu rẻ đang gây áp lực lớn lên hệ thống vận tải, logistics cũng như các thương hiệu thời trang ở các nước châu Âu và Mỹ. Chính vì vậy, Nhà chức trách đang xem xét các biện pháp đối phó với tình trạng này. Nếu lợi thế về vận tải và chăm sóc khách hàng không còn nằm trong tay Amazon, chất lượng sản phẩm và nguồn cung đa dạng toàn cầu sẽ là xu thế mới trong cuộc đua của các sàn thương mại điện tử.
Kết luận
Chiến lược phát triển của Amazon đã giúp công ty từ một cửa hàng sách trực tuyến nhỏ trở thành đế chế bán lẻ toàn cầu với các dịch vụ đa dạng và sáng tạo. Thông qua việc mở rộng kinh doanh, áp dụng mô hình M&A hiệu quả, và phát triển các sản phẩm và dịch vụ nổi bật như Amazon Prime và AWS, Amazon không chỉ củng cố vị thế thị trường mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền tảng thương mại điện tử khác như Shein và TikTok Shop đang tạo ra thách thức lớn cho Amazon, khiến công ty phải tiếp tục đổi mới và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì vị trí dẫn đầu.
Kommentare