top of page

Chinh Phục Mục Tiêu Tăng Trưởng 8%: Động Lực Và Giải Pháp Cho Kinh Tế Việt Nam 2025

Ảnh của tác giả: Virtus ProsperityVirtus Prosperity

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu ban đầu nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế toàn cầu, biến động địa chính trị và các vấn đề nội tại. Những ngành như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực phát triển quan trọng. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, thu hút đầu tư, và nâng cao năng suất lao động. Liệu Việt Nam có thể vượt qua mọi thách thức và đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025?

---------

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn bứt phá quan trọng để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021–2025, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với những thách thức lớn từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và biến động toàn cầu. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực đồng lòng của toàn dân, kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt xa mục tiêu ban đầu. Thành quả này là bàn đạp vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm.

Điểm nhanh một vài thành tựu kinh tế đáng chú ý của Việt Nam năm 2024 

Tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5%, nhờ vào sự phát triển đồng đều ở các khu vực kinh tế:

  • Khu vực I (Nông, lâm nghiệp, thủy sản): Tăng trưởng 3,27%, đóng góp 5,37% vào GDP.

  • Khu vực II (Công nghiệp, xây dựng): Tăng trưởng 8,24%, đóng góp 45,17%.

  • Khu vực III (Dịch vụ): Tăng trưởng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vai trò chủ lực với mức tăng 9,83%, trong khi ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nhờ du lịch và xuất nhập khẩu.Có thể thấy, kinh tế Việt Nam năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ, đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy GDP. Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch và xuất nhập khẩu đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế năm 2025

Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong năm 2025, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi rõ rệt hơn, mặc dù không đồng đều giữa các quốc gia. Các tổ chức quốc tế như OECD, IMF và EU dự báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ duy trì ổn định hoặc có sự tăng nhẹ từ 3,2% đến 3,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, bất ổn chuỗi cung ứng, lạm phát vẫn ở mức cao dù có xu hướng giảm, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá. Các chính sách kinh tế mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Về phần Việt Nam, các tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ dao động từ 6,1% đến 6,6%. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự phát triển tích cực, song cũng phải đối mặt với một loạt khó khăn và cơ hội đan xen, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong các chiến lược kinh tế.

Thuận lợi và Thách thức được đặt ra cho nền kinh tế của chúng ta trong năm tới. 

Ngành nông nghiệp và thủy sản hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ứng dụng công nghệ cao. Ngành công nghiệp tăng trưởng nhờ đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ được thúc đẩy bởi sự phục hồi du lịch và thương mại điện tử. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ.Tuy nhiên,vẫn có những rủi ro từ kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị, thách thức của kinh tế toàn cầu, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc… Tất các những yếu tố trên sẽ tác động tới Việt Nam cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Một số những khía cạnh có thể thấy một cách rõ ràng đầu tiên áp lực từ kinh tế toàn cầu (lạm phát, bất ổn chính trị, rủi ro chuỗi cung ứng). Thể chế pháp lý chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Thiếu lao động chất lượng cao và hạn chế trong khả năng hấp thụ vốn…

Nhìn chung năm 2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ yếu tố toàn cầu đến vấn đề nội tại, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt trong và luôn luôn sẵn sàng với các biện pháp ứng phó tạm thời và lên những kế hoạch chiến lược dài hạn nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Năm 2025, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định với thương mại hàng hóa cải thiện, lạm phát giảm và điều kiện tài chính thuận lợi. Trước bối cảnh này, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ đang tập trung duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp Việt Nam thu hút vốn FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Chuyển đổi số, kinh tế số và phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành động lực tăng trưởng quan trọng.

Việt Nam cũng tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, với kế hoạch năm 2025 đạt 791.000 tỷ đồng vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, đòi hỏi cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách và tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Giải pháp chiến lược được đặt ra dành cho Việt Nam. 

Ổn định kinh tế vĩ mô: Chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đảm bảo các cân đối lớn như tỷ giá, dự trữ ngoại hối. Theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và các chính sách tài khóa, tiền tệ của các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các dự báo về tăng trưởng và lạm phát để có phản ứng nhanh chóng, duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong năm tới. Giám sát giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, và xây dựng kế hoạch điều chỉnh nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột ngột, nhằm giảm tác động tiêu cực đến lạm phát và đời sống người dân.

Thúc đẩy đầu tư và giải ngân: Tăng tốc thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm. Thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ cao và thân thiện môi trường. Tập trung triển khai mạnh mẽ các quy hoạch cho các tỉnh, vùng và ngành để tạo ra động lực và khả năng phát triển mới cho nền kinh tế trong năm 2025. Ưu tiên thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; khai thác tối đa nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời thu hút và tận dụng hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Cung cấp các chính sách ưu đãi, tạo môi trường cạnh tranh và thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược và các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Nâng cao năng suất lao động: Ứng dụng AI và tự động hóa trong sản xuất. Đào tạo kỹ năng mới cho lực lượng lao động trẻ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa trong sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí lao động mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự chuyển đổi mượt mà và hiệu quả trong việc ứng dụng các công nghệ này, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ là một yếu tố then chốt. Khi các công nghệ mới được đưa vào sử dụng, yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng sẽ thay đổi, đòi hỏi họ phải có khả năng làm việc với các công cụ công nghệ hiện đại. Do đó, việc phát triển chương trình đào tạo kỹ năng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu, và kỹ thuật số, sẽ giúp lực lượng lao động trẻ không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường mà còn mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài. 

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua giảm thiểu thủ tục hành chính. Nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản…

Lời kết

Năm 2025 hứa hẹn là cột mốc quan trọng, không chỉ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, mà còn để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với sự quyết tâm từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, đây là cơ hội lớn để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.

Comments


CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

Tòa nhà ATS, 252 Hoàng Quốc Việt,

phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

VIRTUS PROSPERITY ASIA PTE. LTD.

14 Robinson Road #08-01A, Far East Finance Building, Singapore

(+84) 89 98 66 898

Về chúng tôi

Dịch vụ cung cấp

Khám phá thêm

Tư vấn Tài chính

Quản lý Gia sản

Đầu tư

linkedin Virtus.png
  • LinkedIn
  • Facebook

Copyright © 2024 CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

bottom of page