
Đòn bẩy tài chính là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng quy mô và tối ưu hóa cơ cấu vốn. Thông qua việc sử dụng vốn vay, doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng sinh lời hoặc mở rộng mà không cần tăng vốn chủ sở hữu. Điều này cho phép họ tối ưu hóa lợi nhuận và kiểm soát chi phí một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, đòn bẩy tài chính cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu không có chiến lược quản lý hiệu quả. Doanh nghiệp cần thận trọng trong việc áp dụng đòn bẩy để bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH
Đòn bẩy tài chính là việc sử dụng vốn vay để tài trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Khi được sử dụng hiệu quả, đòn bẩy giúp tăng lợi nhuận, đặc biệt trong các ngành có tỷ lệ sinh lời cao như bất động sản, năng lượng, và sản xuất quy mô lớn, khi lợi nhuận từ kinh doanh có chỉ số tốt hơn chi phí lãi vay.
Ngoài ra, đòn bẩy tài chính giúp tối ưu hóa chi phí vốn cho doanh nghiệp, vì chi phí vay vốn thường rẻ hơn do lợi ích khấu trừ thuế từ chi phí lãi vay. Điều này giảm chi phí vốn tổng thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh mà không cần huy động thêm vốn chủ sở hữu.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÊN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI SỬ DỤNG ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH
Dù đòn bẩy tài chính mang lại nhiều lợi ích, doanh nghiệp cần lưu ý tránh sử dụng trong một số trường hợp để giảm thiểu rủi ro tài chính. Trước hết, các doanh nghiệp có dòng tiền không ổn định, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành thời vụ hoặc có tính rủi ro cao, cần phải thận trọng khi vay nợ. Nếu không có khả năng thanh toán lãi suất trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro vỡ nợ.
Thứ hai, trong môi trường lãi suất tăng, chi phí lãi vay có thể trở thành gánh nặng lớn, đặc biệt nếu doanh nghiệp đã áp dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao trong thời kỳ lãi suất thấp. Sự gia tăng đột ngột của lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên tài sản thấp hơn chi phí lãi vay không nên sử dụng đòn bẩy, vì điều này có thể dẫn đến thua lỗ thay vì tạo ra giá trị gia tăng.
Cuối cùng, những doanh nghiệp đã có mức nợ cao cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vay thêm, vì điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và gia tăng rủi ro tài chính. Thiếu một chiến lược quản lý rủi ro rõ ràng trong việc sử dụng đòn bẩy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Doanh nghiệp cần có các phương án bảo vệ trước biến động lãi suất và tình hình kinh tế để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh thị trường thay đổi.

ĐẰNG SAU ĐẾ CHẾ CỦA DONALD TRUMP
Khi nhắc đến đòn bẩy tài chính, Donald Trump là một chiến lược gia hàng đầu đã áp dụng biện pháp đầu tư này cho vô số thương vụ tỷ đô, khiến ông được ưu ái đặt tên “King of Debt” trong ngành tài chính. Hãy cùng tìm hiểu những khoản nợ đã đưa ông Trump lên hàng tỷ phú chỉ trong vài năm!
Donald Trump đã xây dựng một đế chế bất động sản, bao gồm các tài sản thương mại và dân cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và sân golf, tổng giá trị vượt ngưỡng 1 tỷ đô la, theo Forbes. Giống như nhiều nhà đầu tư bất động sản khác, ông đã mua nhiều tài sản bằng tiền vay được từ ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khoản vay lớn của ông đã được các ngân hàng xóa bỏ bằng hiểu biết chặt chẽ của ông khi vận dụng đòn bẩy tài chính.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, ông Trump thừa nhận: “Tôi là vua của nợ. Không ai có kiến thức sâu rộng về các khoản nợ như tôi. Đế chế của tôi được xây nên từ những khoản nợ khổng lồ, và đó là bước đi vô cùng khôn ngoan”.
Deutsche Bank
Vào năm 2005, Trump đã vay hơn 2,5 tỷ đô la từ Deutsche Bank để tài trợ cho các dự án bất động sản, đặc biệt là để xây dựng Trump Tower ở Chicago. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ông không thể bán hoặc cho thuê hầu hết các căn hộ và không gian bán lẻ trong tòa nhà. Điều này đã khiến ông Trump rơi vào tình trạng phá sản.
Khi khoản vay đến hạn, ban đầu là 334 triệu đô la, thay vì trả tiền, Trump đã quyết định kiện ngân hàng. Các công ty xây dựng tham gia vào dự án đã ghi giảm 101 triệu đô la và 105 triệu đô la nợ xấu, trong khi ông Trump được xóa nợ hoàn toàn.
Fortress Investment Group
Ông Trump cũng đã vay 130 triệu USD từ Fortress Investment Group cho cùng một dự án Trump Tower. Áp dụng phương pháp như trên, các khoản vay này cũng đã được xóa toàn bộ trong một vụ kiện với tập đoàn tại tòa án tối cao.
Trump Castle Bonds
Để gây quỹ cho Trump Castle, một sòng bạc ở New Jersey, ông Trump đã phát hành trái phiếu trị giá 300 triệu USD. Vị tỷ phú đã không thanh toán khoản lãi 42 triệu USD. Tuy nhiên, các chủ sở hữu trái phiếu đồng ý xóa nợ hơn 200 triệu USD trong vòng 5 năm cho ông, chứng tỏ tiềm lực kinh tế và quyền lực của ông Trump trong giới cũng chính là canh bạc béo bở khiến các nhà đầu tư bị thuyết phục.
NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ
Từ danh sách nợ “khét tiếng” của cựu tổng thống Hoa Kỳ, đặc biệt xoay quanh các dự án như Trump Castle và sòng bạc Casino, chúng ta đã có một case study hoàn chỉnh về những cơ hội cũng như thách thức của việc sử dụng đòn bẩy tài chính sao cho hiệu quả.
Sử dụng nợ một cách bài bản:
Trump thường dựa vào các khoản vay lớn để tài trợ cho các dự án của mình, bao gồm các dự án bất động sản quy mô lớn và sòng bạc. Việc vay hàng trăm triệu đô la là một chiến lược thường xuyên được ông áp dụng để duy trì hoạt động kinh doanh.
Tái cấu trúc và xóa nợ:
Ông Trump đã nhiều lần thương lượng các điều khoản có lợi để tái cấu trúc hoặc giảm nợ. Trong một số trường hợp, các chủ nợ hoặc trái chủ đã xóa một số khoản nợ lớn, như trường hợp các chủ trái phiếu của dự án Trump Castle đồng ý xóa hơn 200 triệu USD và tập đoàn Fortress cũng đã xóa khoản vay 130 triệu USD - những con số không hề nhỏ - đã cho thấy những lợi ích trong việc thương lượng, đặc biệt đối với các khoản vay.
Chiến lược mạo hiểm:
Cách tiếp cận kinh doanh của Trump mang tính rủi ro cao. Ông sẵn sàng vay số tiền lớn với hy vọng có lợi nhuận cao, dù nhiều dự án cuối cùng thất bại, như việc Trump Castle phá sản.
Sử dụng các biện pháp pháp lý trong tài chính
Với vốn hiểu biết đặc biệt sâu rộng trong lĩnh vực pháp lý, ông Trump thường sử dụng các vụ kiện hoặc thách thức pháp lý để thương lượng các điều khoản tốt hơn cho mình, như trường hợp Fortress Investment Group đã xóa khoản vay thông qua một vụ kiện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của kiến thức pháp luật trong các thương vụ sử dụng đòn bẩy tài chính, mở ra các cơ hội tương lai cho khoản vay của bạn.
Nguy cơ phá sản và thất bại trong kinh doanh:
Mặc dù được xóa nhiều khoản nợ lớn, nhiều dự án của Trump – đặc biệt là các sòng bạc – vẫn kết thúc bằng việc phá sản. Việc sử dụng hệ thống phá sản của Trump cho thấy các doanh nghiệp có thể thất bại nhưng vẫn sống sót nhờ tái cấu trúc nợ.
Từ trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính rất tài tình và khéo léo của vị tỷ phú Hoa Kỳ Donald Trump, chúng ta đã thấy những tiềm năng sáng giá trong việc vận dụng đòn bẩy tài chính. Hiểu biết trong lĩnh vực này sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, khi đây là một trong các yếu tố không thể thiếu nếu muốn mở rộng quy mô cho mô hình kinh doanh của bạn. Tuy nhiên, chính lợi ích này cũng đi đôi với nhiều bất cập, mà ngay cả một doanh nhân sở hữu khối tài sản kếch xù như ông Trump cũng không tránh khỏi thất bại và rủi ro. Doanh nghiệp cần biết nắm bắt thế mạnh, thế yếu của mình để vận dụng đòn bẩy tài chính vừa phải, nhưng vẫn đủ bứt phá để đón đầu cơ hội trước mắt.
Comments