Kinh Tế Ấn Độ Giữa Làn Sóng Thuế Quan Của Mỹ
- Virtus Prosperity
- 14 thg 5
- 7 phút đọc

Thuế đối ứng áp dụng cho Ấn Độ và hành động của quốc gia
Ngày 2/4/2025, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu và mức thuế đối ứng cao hơn lên tới 26% cho khoảng 60 quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Ấn Độ.
Thuế suất 26% ảnh hưởng nặng đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ như linh kiện ô tô, hóa chất, thép, tôm và đá quý. Ngược lại, dược phẩm, chất bán dẫn và đồng được miễn thuế, giúp giảm áp lực phần nào. Đáng chú ý, ngành thủy sản – đạt 7,3 tỷ USD năm 2024 – bị ảnh hưởng mạnh, nhất là mặt hàng tôm, dù mức thuế 26% tạm hoãn đến tháng 7.
Thay vì đáp trả bằng thuế đối ứng, Ấn Độ chọn hướng đàm phán ôn hòa, thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi. Nước này cũng có các nhượng bộ như giảm thuế với rượu whisky, xe máy Harley-Davidson và bãi bỏ “thuế Google”. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng những động thái tích cực này sẽ giúp Mỹ xem xét việc trì hoãn hoặc miễn áp thuế dựa trên điều khoản “hành động khắc phục” trong sắc lệnh thuế của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, theo một văn bản gửi lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ Ấn Độ cho biết đang cân nhắc tăng thuế quan với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này để đáp trả thuế quan của Washington với nhôm và thép nhập khẩu.
Nền kinh tế Ấn Độ hiện tại qua các chỉ số kinh tế vĩ mô
1. GDP
Tổng GDP của Ấn Độ có giá trị 3567,55 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, chiếm 3,38% nền kinh tế thế giới. Năm 2024, GDP của Ấn Độ đạt 3.68 nghìn tỷ đô la Mỹ, gấp khoảng 8 lần so với GDP của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ qua các năm:
Năm 2022: 9,7%
Năm 2023: 7,6%
Năm 2024: 9,2%

2. Lạm phát
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Ấn Độ giảm xuống còn 3,34% vào tháng 3 năm 2025, mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua, từ mức 3,61% vào tháng 2.

Sự sụt giảm này đã khiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm sâu dưới mục tiêu giữa kỳ 4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.
Lạm phát thực phẩm – chiếm gần một nửa rổ hàng hóa tiêu dùng của Ấn Độ – đã giảm xuống mức thấp gần bốn năm (2,69% so với 3,75% trong tháng 2), do chịu áp lực giảm giá từ trứng, gia vị, rau và các loại đậu.
Điều này đủ để bù đắp cho sự tăng trở lại của giá nhiên liệu và điện (1,48%) cũng như tốc độ lạm phát nhanh hơn trong lĩnh vực nhà ở (3,03%).
3. Lãi suất
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã cắt giảm lãi suất repo chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 6% trong cuộc họp tháng Tư, đánh dấu hai lần cắt giảm liên tiếp với cùng mức và phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Đợt điều chỉnh lãi suất mới nhất này đã đưa chi phí vay mượn xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2022, do lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
4. Xuất nhập khẩu
Tháng 3 năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ đạt 41,97 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 63,51 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại khoảng 21,54 tỷ USD.
Trong năm tài chính 2024-2025, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 99,2 tỷ USD, do nhập khẩu các mặt hàng như điện tử và pin tăng mạnh.
5. Tỷ giá
Tỷ giá hối đoái giữa đồng Rupee Ấn Độ và Đô la Mỹ dao động quanh mức 85,52 INR/USD vào tháng 4 năm 2025.
Đồng Rupee đã tăng giá hơn 1% trong ba phiên giao dịch gần đây, nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự suy yếu của đồng Đô la Mỹ.
6. Chính sách quản lý và kích thích phát triển của Ấn Độ
Trong Ngân sách Liên bang 2025-26, chính phủ Ấn Độ đã phân bổ 11,21 lakh crore INR (tương đương khoảng 135 tỷ USD) cho lĩnh vực hạ tầng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đạt mục tiêu "Viksit Bharat @ 2047".
Chính phủ cũng triển khai giai đoạn hai của Kế hoạch Huy động Tài sản (Asset Monetization Plan) cho giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu huy động 10 lakh crore INR để đầu tư vào các dự án hạ tầng mới.
Thành lập Ngân hàng Quốc gia về Tài trợ Hạ tầng và Phát triển (NaBFID) nhằm giải quyết các thách thức về tài chính cho các dự án hạ tầng lớn.
Động lực phát triển của Ấn Độ và ảnh hưởng của ngoại lực tác động
1. Động lực phát triển
Lực lượng lao động trẻ và đông đảo
Năm 2023, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia có số dân đông nhất thế giới, hiện tại dân số Ấn Độ khoảng hơn 1,4 tỷ người, trong đó khoảng 65% dưới 35 tuổi, chính vì vậy Ấn Độ đang có một lực lượng lao động dồi dào giúp thúc đẩy lao động, sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra, Ấn Độ còn có cộng đồng người xa xứ sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, là nguồn ủng hộ ngoại tệ lớn cho ngân sách Ấn Độ.

Vị trí địa lý
Ấn Độ sở hữu vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm Nam Á và giáp ranh với nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Nepal. Vị trí này mang lại cho Ấn Độ nhiều lợi thế:
Cửa ngõ thương mại: Là điểm kết nối giữa các khu vực Đông Á, Trung Đông và châu Âu, Ấn Độ Ấn Độ không chỉ trở thành một trung tâm thương mại quan trọng mà còn là một nút giao thông chiến lược cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác thương mại trong khu vực và quốc tế giúp Ấn Độ tận dụng lợi thế về chi phí vận chuyển thấp và sự thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dầu mỏ, than đá, sản phẩm nông sản và dệt may.
Kinh tế biển và tiềm năng du lịch: Với bờ biển dài, Ấn Độ có nhiều cơ hội để phát triển các ngành kinh tế như thương mại quốc tế, du lịch biển, thủy sản, năng lượng biển, và logistics. Đồng thời, cùng với di sản văn hóa phong phú và cảnh quan đa dạng, Ấn Độ thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế mỗi năm.
An ninh quốc gia: Vị trí tiếp giáp với các quốc gia lớn giúp Ấn Độ duy trì ảnh hưởng chiến lược trong khu vực.
Tài nguyên
Ấn Độ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú:
Khoáng sản: Là một trong những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng có trữ lượng đáng kể về quặng sắt, bauxite và đá vôi.
Nông sản: Là nước sản xuất lớn về lúa gạo, lúa mì, chè, gia vị và các loại đậu.
Năng lượng tái tạo: Ấn Độ đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng mặt trời và gió, với mục tiêu đạt 500 GW công suất điện tái tạo vào năm 2030.
Những tài nguyên này không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn là nguồn xuất khẩu quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
2. Tác động bởi ngoại lực
Gia tăng chi phí xuất khẩu và giảm khả năng cạnh tranh
Chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tác động mạnh đến các ngành xuất khẩu của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ có một ngành công nghiệp dệt may và thép lớn, nhưng những ngành này lại chịu tác động trực tiếp từ thuế quan. Các sản phẩm như đồ điện tử, dệt may và thép của Ấn Độ phải chịu thuế cao, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ví dụ, ngành xuất khẩu thép của Ấn Độ đã phải đối mặt với thuế quan từ Mỹ, khiến chi phí sản xuất tăng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Cùng với đó, mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông sản như thủy sản cũng ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Ấn Độ. Mặc dù Tổng thống Trump đã hoãn một số mức thuế đối với các mặt hàng thủy sản, nhưng ngành này vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần tại các thị trường quan trọng.
Tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Ấn Độ đang là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ. Việc gia tăng rào cản thương mại như thuế quan hoặc quy định kỹ thuật có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp và thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh Ấn Độ đang cố gắng thu hút các tập đoàn đa quốc gia chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Khi thuế quan tăng cao, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Ấn Độ trên thị trường quốc tế.
Đòn bẩy để đẩy nhanh nội địa hóa sản xuất
Bên cạnh các tác động tiêu cực, thuế quan cũng tạo ra một cơ hội cho Ấn Độ tăng cường nội địa hóa sản xuất. Với chiến lược "Atmanirbhar Bharat" (Ấn Độ tự cường), chính phủ đang tích cực khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì dựa vào nhập khẩu. Chính phủ cung cấp các ưu đãi, bao gồm các chính sách tài chính hỗ trợ, nhằm khuyến khích các công ty trong nước gia tăng sản xuất và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Sản lượng hàng điện tử nội địa đã tăng trưởng đáng kể, từ 1,90 lakh crore INR năm 2014-15 lên 9,52 lakh crore INR năm 2023-24, với mục tiêu đạt 300 tỷ USD vào năm 2026
Tác động đến quan hệ thương mại song phương
Thuế quan cũng ảnh hưởng đến cán cân thương mại của Ấn Độ. Ví dụ, thâm hụt thương mại với Trung Quốc năm 2024 đã lên đến 99,2 tỷ USD. Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách xuất khẩu giá rẻ hoặc bán phá giá, Ấn Độ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá, tạo ra căng thẳng thương mại hai chiều.
Comments