Tổng quan tình hình kinh tế thế giới 2024
Theo thông tin cập nhật mới nhất, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với dự báo trước đó.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Sơ bộ tháng 9/2024, OECD nhận định rằng kinh tế toàn cầu vẫn duy trì sức bền đáng kể trong nửa đầu năm 2024, đạt mức tăng trưởng 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 5/2024. Lạm phát giá tiêu dùng giảm đã góp phần hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình, giúp trung hòa phần nào tác động tiêu cực từ các điều kiện tài chính thắt chặt và bất ổn do xung đột tại Ukraine và Trung Đông. Kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong Quý II/2024, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sức tiêu dùng cá nhân tăng cao. Một số nền kinh tế phát triển khác cũng có mức tăng trưởng GDP tương đối khả quan như Canada (2,8%), Tây Ban Nha (2,9%) và Vương quốc Anh (0,6%). Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi ghi nhận sự khác biệt đáng kể về tốc độ tăng trưởng: Brazil (2,8%), Ấn Độ (7,8%) và Indonesia (5,05%) đạt kết quả tốt, trong khi Mexico (1,7%) chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại. Tại Trung Quốc, xuất khẩu mạnh đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp, song nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp, và lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục điều chỉnh.
Lạm phát tại một số nền kinh tế lớn có xu hướng đi xuống. (Nguồn: OECD)
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 10/2024 của IMF, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo tháng 7/2024. Khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế đang dần thu hẹp so với đầu năm 2024, khi các yếu tố chu kỳ suy giảm và hoạt động kinh tế tiến gần hơn đến mức tiềm năng. Tại Hoa Kỳ, tăng trưởng chậm lại do tiêu dùng suy giảm và ảnh hưởng tiêu cực từ thương mại ròng. Nhật Bản đối diện với mức tăng trưởng âm, bị ảnh hưởng bởi gián đoạn nguồn cung tạm thời do đóng cửa một nhà máy ô tô lớn vào đầu năm 2024. Trong khi đó, kinh tế châu Âu có dấu hiệu phục hồi, với sự cải thiện trong lĩnh vực dịch vụ. Ở Trung Quốc, tiêu dùng trong nước tăng trưởng đã thúc đẩy động lực phát triển tích cực trong những tháng đầu năm.
Liên hợp quốc (UN)
Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 9/2024, UN nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đạt 2,7% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024, nhờ hoạt động kinh tế tốt hơn dự kiến ở Hoa Kỳ và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn được cải thiện ở các nền kinh tế lớn khác, nhất là Bra-xin, Ấn Độ và Vương quốc Anh. Tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu dự báo đạt 1,0% năm 2024, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024 do nền kinh tế Đức tăng trưởng thấp hơn dự kiến bởi ảnh hưởng từ nhu cầu trong nước yếu và suy thoái kéo dài của lĩnh vực sản xuất.
Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2023-2024 của các tổ chức quốc tế.
Tình hình kinh tế - chính trị giữa những sự kiện mang tính biến động
Tăng trưởng toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách tài chính - tiền tệ nhìn chung vẫn thắt chặt, các yếu tố địa chính trị bất lợi và sự phân mảnh kinh tế thế giới ngày càng mạnh mẽ.
Chính sách tài chính - tiền tệ
Thị trường tài chính toàn cầu đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể sau thời gian dài chứng kiến chính sách tiền tệ thắt chặt, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Theo báo cáo mới nhất của IMF (2024), nhiều loại tài sản có thể chứng kiến rủi ro bị định giá lại khi kỳ vọng về việc giảm lãi suất trong tương lai ngày càng khả thi, mặc dù có sự không chắc chắn về cả quy mô và thời điểm thay đổi lãi suất chính sách.
Theo dữ liệu từ OECD, chi phí lãi vay của hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển đã tăng lên 4,5% thu nhập khả dụng trong quý 4/2023, so với mức 4,2% trong quý 3/2023 và 1,6% năm 2019 (OECD, 2024). Rủi ro đặc biệt cao ở các quốc gia có tỷ lệ vay thế chấp lãi suất biến đổi mạnh như Úc, Canada, Phần Lan và Ba Lan.
Nợ doanh nghiệp và gia tăng tỷ lệ phá sản
Đối với doanh nghiệp, tình hình cũng ngày càng căng thẳng. Báo cáo từ S&P Global (2024) cho thấy, khoảng 35% nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển sẽ đáo hạn vào năm 2026, tăng 30% từ mức được báo cáo trước đó. Chi phí lãi vay của các doanh nghiệp phi tài chính ở các nền kinh tế phát triển đã tăng lên 16,2% thặng dư hoạt động trong quý 4/2023 so với mức 15,1% trong quý 3/2023 và 9% năm 2019. Số vụ phá sản doanh nghiệp tiếp tục tăng, vượt quá mức trước đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia. Số vụ phá sản doanh nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ tăng 9% trong năm 2024, với mức tăng đặc biệt cao ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Một rủi ro khác nữa là tác động trong tương lai của lãi suất thực cao hơn có thể mạnh hơn dự kiến. Gánh nặng trả nợ cao và có thể tăng thêm khi nợ lãi suất thấp được đảo nợ, hoặc khi lãi suất vay cố định được đàm phán lại. Một số lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản thương mại vẫn đang gặp khó khăn; số vụ phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp hiện đã vượt mức trước đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia, gây ra rủi ro cho ổn định tài chính.
Rủi ro địa chính trị
Rủi ro địa chính trị vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024, đặc biệt, trong bối cảnh các xung đột đang diễn ra ở Trung Đông leo thang, gây ra những xáo trộn trên thị trường năng lượng và tài chính.
Với sự căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran, tình hình Trung Đông tiếp tục nóng trong năm 2024. Đặc biệt, giới quan sát bày tỏ lo ngại về sự bất ổn có thể xảy ra tại eo biển Hormuz - “cửa ngõ vàng đen” của thế giới. Khoảng 30% dầu mỏ toàn cầu và 20% khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển qua eo biển Hormuz, một tuyến đường huyết mạch vận chuyển dầu mỏ từ các nước Trung Đông đến thị trường các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Mặc dù xung đột có thể không hoàn toàn ngăn chặn dòng chảy năng lượng qua eo biển này, nhưng ngay cả những gián đoạn ngắn hạn cũng có thể gây ra tác động đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Tác động của việc leo thang các xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và các đợt tăng giá năng lượng có thể khuếch đại hậu quả nếu chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao hơn nữa và chuyển vào giá hàng hóa. Đơn cử, thiệt hại đối với các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz sẽ gây ra gián đoạn đáng kể đối với cân bằng cung, cầu vốn đã rất căng thẳng của thị trường tàu chở dầu toàn cầu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm việc tăng chi phí vận chuyển và tạo ra sự chậm trễ trong cung cấp dầu thô, ngay cả khi các tàu tiếp tục đi qua eo biển Hormuz. Ngoài ra, nếu việc vận chuyển qua Biển Đỏ gặp thêm rủi ro, có thể sẽ có sự gia tăng thêm tỉ lệ tàu sử dụng tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng. Những gián đoạn như vậy sẽ gây áp lực thêm lên tăng trưởng tổng thể và khả năng của các nhà cung cấp trong việc điều chỉnh trước những cú sốc.
Sự phân mảnh kinh tế toàn cầu
Yếu tố quan trọng nhất là sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt liên tục của Mỹ đối với các quốc gia như Nga và Iran. Những diễn biến này đã và đang tạo ra tác động đáng kể đến tiến trình toàn cầu hóa, làm thay đổi cục diện kinh tế, chính trị quốc tế và cản trở sự tăng trưởng kinh tế của nhiều nước liên quan. Sự mở rộng của khối BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thu hút sự chú ý đáng kể trên trường quốc tế. Việc mở rộng của khối BRICS đại diện cho một thách thức đối với trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại do phương Tây dẫn đầu. Nhóm BRICS đang nỗ lực thiết lập một hệ thống kinh tế đa cực, trong đó các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt liên tục của Mỹ đối với Nga và Iran đã góp phần đáng kể vào sự phân mảnh kinh tế toàn cầu. Biện pháp trừng phạt này đã buộc các quốc gia bị nhắm mục tiêu phải tìm kiếm đối tác thương mại và tài chính thay thế, dẫn đến sự hình thành của các khối kinh tế mới và kênh thương mại thay thế.
Đối với Nga, các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy nước Nga tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc và các nước trong khối BRICS. Thương mại Nga - Trung Quốc đã tăng đáng kể từ năm 2022, với việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Điều này không chỉ giúp Nga giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt mà còn thúc đẩy sự hình thành của một hệ thống kinh tế song song, ít phụ thuộc vào USD và các thể chế tài chính phương Tây.
Tương tự, Iran cũng đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kéo dài từ phía Mỹ, buộc nước này phải tìm kiếm đối tác thương mại thay thế và phát triển cơ chế tài chính mới để vượt qua những hạn chế. Iran đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Nga và các nước láng giềng, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ địa phương trong thương mại song phương để tránh phụ thuộc vào hệ thống tài chính quốc tế dựa trên USD.
Ông Donald Trump tái đắc cử sẽ gây ra nhiều biến động với kinh tế toàn cầu
Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu. Tổng thống Donald Trump tái đắc cử thay đổi các chính sách liên quan đến thuế, chi tiêu công, quy định kinh doanh và thương mại,... Những quyết định này có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát, diễn biến thị trường tài chính thế giới và ảnh hưởng một phần tới chính sách điều hành tại nhiều quốc gia khác.
Cụ thể, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thay đổi về việc thu hút FDI vào Mỹ và sự can thiệp vào chính sách tiền tệ của FED sẽ tác động tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng như xuất nhập khẩu, FDI, tỷ giá,.... Chiến thắng của ông Donald Trump lập tức khiến chứng khoán, tiền số hưng phấn nhưng giới chuyên gia nói kinh tế toàn cầu còn thách thức trong trung hạn. Đối với các vấn đề kinh tế khác, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác.
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống với viễn cảnh về một chính quyền mới ưu tiên giảm thuế cho doanh nghiệp đã nhanh chóng mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1% trước phiên chính thức ngày 6/11, trong khi Russell 2000 - chỉ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ - dự kiến tăng hơn 2%. Các doanh nghiệp nhỏ có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp mà ông Trump hứa hẹn. Tại châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch ngày 6/11 tăng 2,61%, nhờ triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường châu Âu cũng khởi đầu ngày trong sắc xanh. Tại Paris, chỉ số CAC 40 tăng 1,75% vào đầu phiên, còn các sàn London và Frankfurt tăng lần lượt 0,9% và 0,8%.
Tuy nhiên, niềm vui của giới đầu tư có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Reuters cho rằng nếu ông Trump chỉ thực hiện một phần các cam kết lúc tranh cử - tăng thuế thương mại, nới lỏng quy định, khoan dầu nhiều hơn và yêu cầu nhiều hơn từ các đối tác NATO - áp lực lên tài chính chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới.
Ở một diễn biến khác, Trung Quốc không chỉ dõi theo kết quả bầu cử tổng thống Mỹ mà còn lên các phương án dự phòng. Theo Reuters, giới chức Trung Quốc đang xem xét kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD) trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định, do sự kiện ông Trump tái đắc cử, quy mô của gói kích thích này có thể còn mở rộng đáng kể. Lý do là Bắc Kinh dự đoán Trump sẽ tiếp tục các biện pháp gây sức ép kinh tế, từ việc tăng thuế đến cấm vận công nghệ, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Trump đã chỉ trích sự ủng hộ của Washington với Kiev trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và tuyên bố sẽ kết thúc chiến sự nếu đắc cử. Chưa rõ ông sẽ làm điều này như thế nào, nhưng ông đã gợi ý Ukraine có thể phải nhượng đất để đạt được thỏa thuận hòa bình và Ukraine liên tục bác bỏ ý tưởng này. Mỹ cũng sẽ xem xét lại cơ bản mục đích và sứ mệnh của NATO sau khi tổng thống mới nhậm chức. Đồng thời, có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, một nỗ lực đã được thực thi trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó.
Lãi suất Fed cao và chi phí vay mượn thấp hơn ở nơi khác cũng sẽ làm tăng giá trị đồng USD, gây thêm khó khăn cho các thị trường mới nổi vì hơn 60% nợ quốc tế được tính bằng USD. Mexico có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những phát ngôn của Trump về việc đóng cửa biên giới, diễn ra trong bối cảnh triển vọng trong nước đã xấu đi. Với các thị trường mới nổi dựa vào nguồn vốn bằng USD, kết hợp các chính sách như vậy sẽ khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, giáng một đòn kép vào tổn thất xuất khẩu. Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc rất cần phục hồi tăng trưởng, nên có thể tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm bị Mỹ ngăn cản và đổ hàng hóa ra các nơi khác, đặc biệt là châu Âu.
Chính phủ các nước cũng đang trong công cuộc tìm ra giải pháp đối với những sự thay đổi của trong chính sách của Mỹ sau khi ông Trump đắc cử. Chiến thắng của Trump đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời và thế giới có thể bước vào viễn cảnh chưa nghĩ tới, bắt buộc các nhà đầu tư phải nhanh nhạy với những biến đổi trong thị trường để đón đầu ngọn sóng cơ hội trong năm 2025.
Nguồn: GSO, OECD, IMF, UN, FR, tapchinganhang, VNExpress, VNEconomy
Comments