
Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020. Đây là những cam kết quan trọng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện tài chính xanh giúp cung cấp nguồn vốn, đánh giá rủi ro, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững, và thúc đẩy minh bạch trong đầu tư. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển tài chính xanh. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm:
Chiến lược Tài chính xanh Quốc gia giai đoạn 2021-2030
Kế hoạch hành động Quốc gia về Tài chính xanh giai đoạn 2022-2025
Quy định về trái phiếu xanh
Hỗ trợ phát triển các quỹ đầu tư xanh
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển tài chính xanh. Một trong những thách thức lớn nhất là "tẩy xanh". Những gian lận trong việc “tẩy xanh” gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Và cuối cùng, vấn đề gian lận sẽ làm tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh.
Để đối phó với rủi ro tẩy xanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hầu hết các nước đều tập trung xây dựng khung pháp lý về quy định “xanh” hoặc công khai các trường hợp gian lận trong việc công bố thông tin.
Kinh nghiệm hạn chế “tẩy xanh” của các quốc gia trên thế giới
Đối với các quốc gia khác, ví dụ như EU, đang có Hệ thống phân loại có tiêu chuẩn rất chặt chẽ để dán nhãn cho các dự án, sản phẩm xanh. Tháng 9/2023 vừa qua EU cũng đã nhất trí cấm chiến thuật “greenwashing” mà các công ty sử dụng nhằm thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ là “thân thiện với môi trường”, “trung hòa khí hậu” và “phân hủy sinh học” nhưng không đưa ra chứng minh. Dự thảo luật trên được thông qua vào cuối ngày 19/9/2023, theo đó cấm các công ty dán nhãn sản phẩm như vậy nếu không đưa ra những bằng chứng chi tiết.
Tại Trung Quốc, "tẩy xanh" cũng đang là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực tài chính xanh. Các doanh nghiệp này đã lạm dụng các khoản hỗ trợ tài chính xanh để thực hiện các dự án không thân thiện với môi trường. Để giảm thiểu tình trạng “tẩy xanh”, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu đối với các báo cáo tài chính của công ty cần được công bố thường xuyên, truy cập mở và bắt buộc. Các bản báo cáo tài chính cũng cần đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy về các thông tin liên quan đến môi trường để giảm bớt các rủi ro “tẩy xanh”, từ đó giúp các nhà đầu tư và chính phủ có thể kiểm tra trước khi đưa ra các quyết định tài trợ tài chính xanh.
Tình trạng "tẩy xanh" trong lĩnh vực tài chính tại Singapore đang gia tăng do làn sóng đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Các doanh nghiệp và quỹ có xếp hạng ESG cao thu hút hàng nghìn tỷ đô la vốn đầu tư trong những năm gần đây. Nhằm giải quyết vấn đề này, Singapore đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm: Yêu cầu tất cả các công ty niêm yết công khai thông tin ESG theo khuyến nghị của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Buộc doanh nghiệp công bố thông tin tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu thường xuyên. Khởi động chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích rủi ro môi trường trong ngành tài chính. Yêu cầu đảm bảo chất lượng thông tin về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Biện pháp nào cho Việt Nam?
Mặc dù Việt Nam đã có những biện pháp và chính sách thúc đẩy phát triển bền vững và tài chính xanh, song vấn đề "tẩy xanh" vẫn đang là một thách thức lớn. Việc thiếu hụt văn bản pháp lý và biện pháp xử lý các hành vi "tẩy xanh" khiến cho nỗ lực này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Việc hạn chế “tẩy xanh” đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm nhằm khắc phục những tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả của các hoạt động tài chính xanh. Do đó, nhằm giảm thiểu rủi ro “tẩy xanh” tại Việt Nam, Chính phủ cần có những biện pháp quan trọng như:
Tăng cường quản lý yêu cầu về công bố thông tin ESG: ây dựng tiêu chuẩn và khung báo cáo ESG đáng tin cậy, đồng thời nâng cao chất lượng báo cáo và thông tin được công bố.
Áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi “tẩy xanh” trong hoạt động tài chính xanh: Xử phạt mạnh hành vi "tẩy xanh", lập hệ thống giám sát tính minh bạch hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức về các hành vi “tẩy xanh”: Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để mọi người có nhận thức tốt hơn và có thể nhận diện được hành vi “tẩy xanh”. Khi nhận thức được nâng cao sẽ giúp cho việc nhận diện và kiểm soát “tẩy xanh” trở nên hiệu quả hơn.
Comments