Việt Nam Trước Bối Cảnh Điều Chỉnh Chính Sách Thương Mại Toàn Cầu
- Virtus Prosperity
- 4 thg 4
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 16 thg 4
Động Thái Mới Trong Chính Sách Thương Mại Của Mỹ
Ngày 2/4/2025, chính phủ Mỹ đã công bố và áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Quyết định này nằm trong khuôn khổ điều chỉnh chính sách thương mại nhằm cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa. Theo thông tin từ Reuters, Mỹ áp mức thuế cơ sở 10% lên toàn bộ các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4. Ngoài ra, mức thuế bổ sung sẽ áp dụng từ ngày 9/4 đối với một số quốc gia có thặng dư thương mại cao với Mỹ.

Thực Hư Mức Thuế 90% Được Nhắc Đến
Trước những thông tin liên quan đến mức thuế 90% mà Mỹ đề cập đến, cần làm rõ rằng đây không phải là mức thuế Việt Nam áp lên hàng hóa Mỹ. Theo các hiệp định thương mại hiện tại, mức thuế suất của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế. Một số mặt hàng cụ thể bao gồm:
Nông sản: Bông (0%), Đậu nành (2%), Thịt gà (10%), Táo, cherry, hạt (5%).
Công nghiệp & Nhiên liệu: Khí hóa lỏng (5%), Ethane, chip bán dẫn, máy móc công nghiệp (0-5%).
Ô tô, xe máy: Ô tô (45-64%), Xe máy (10%).
Tổng Thống Trump giải thích rằng 90% ở đây là "Thao túng tiền tệ và rào cản thương mại", tức là mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Giả sử Việt Nam xuất khẩu 100 tỷ USD sang Mỹ nhưng chỉ nhập về 10 tỷ USD, thì con số chênh lệch 90 tỷ USD bị Trump coi là "không công bằng".
Thực tế, năm 2023 và 2024, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ lần lượt 136,6 tỷ USD và 123 tỷ USD. Để cân bằng thương mại, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5 triệu ô tô từ Mỹ.

Việt Nam và Chiến Lược Ứng Phó Trước Lệnh Áp Thuế 46% của Mỹ
Là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và đứng thứ 3 về thâm hụt thương mại, Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy của những biến động kinh tế toàn cầu. Trong năm qua, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã vượt 123 tỷ USD, với 75% kim ngạch thương mại phụ thuộc vào xuất khẩu. Việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế chủ chốt như dệt may, da giày, điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam đã không bị động trước tình hình này mà chủ động xây dựng các chiến lược ứng phó linh hoạt nhằm duy trì lợi thế thương mại và tăng cường quan hệ song phương với Mỹ.
Chiến Lược Linh Hoạt của Việt Nam
Ngay từ phiên họp Chính phủ ngày 5/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì thảo luận về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu và các kịch bản đối phó đã được chuẩn bị từ sớm. Trước áp lực từ thuế quan, Việt Nam đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, bao gồm:
Điều chỉnh thuế nhập khẩu:
Giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ từ mức 45-64% xuống 32%.
Giảm thuế nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ từ 5% xuống 2%.
Giảm thuế ethanol từ 10% xuống 5%.
Tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ để cân bằng cán cân thương mại, đồng thời siết chặt kiểm soát hàng hóa chuyển tải nhằm tránh các cáo buộc về gian lận xuất xứ.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam, điển hình là việc cấp phép cho Starlink triển khai dịch vụ tại Việt Nam như một bước đi thể hiện thiện chí trong hợp tác thương mại song phương.
Thúc Đẩy Nội Lực: Hướng Đi Bền Vững
Bên cạnh các chính sách đối phó ngắn hạn, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế tư nhân như một động lực chính của nền kinh tế. Một hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam gia tăng khả năng tự chủ và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đặc biệt, chính phủ xác định rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là trụ cột quan trọng để giúp nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ. Người đứng đầu Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đây là "lựa chọn bắt buộc, con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân".
Ngoại Giao Kinh Tế: Cân Bằng Lợi Ích Trong Đàm Phán
Ngày 6/4 tới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đến Mỹ nhằm tiếp tục đối thoại và tìm kiếm các giải pháp hợp tác phù hợp. Việc Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng "Việt Nam là những người đàm phán vĩ đại" khi công bố lệnh áp thuế 46% không phải là ngẫu nhiên. Đây là thành quả của quá trình thương lượng kéo dài từ năm 2019 đến nay.

Comments