Cổ phiếu phòng thủ: Điểm tựa ngắn hạn giữa “cơn bão” thuế quan từ Mỹ
- Virtus Prosperity
- 16 thg 4
- 5 phút đọc
Ngày 3/4/2025, Tổng thống Mỹ đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%. Thông tin này đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực, với hàng loạt phiên giảm điểm mạnh và sự lan toả tiêu cực gần như toàn diện. Điều đáng nói, ngay cả những nhóm ngành cơ bản tốt cũng không tránh khỏi lực bán tháo, phản ánh tâm lí bi quan lan rộng trong giới đầu tư. Trong bối cảnh thị trường hoảng loạn, câu hỏi được đặt ra là: "Đâu là những ngành ít bị tác động hơn trong thời điểm hiện tại?" Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích những ngành phòng thủ - nơi có thể trở thành điểm tựa trong ngắn hạn.

I. THẾ NÀO LÀ CỔ PHIẾU NGÀNH PHÒNG THỦ?
Cổ phiếu phòng thủ (desfensive stock) là loại cổ phiếu mang lại cho người sở hữu cổ tức và thu nhập ổn định dù diễn biến thị trường chứng khoán có ra sao, kể cả khi ở trong tình trạng bất ổn.
Xuất phát từ nhu cầu liên tục đối với sản phẩm của công ty -> cổ phiếu phòng thủ luôn duy trì được sự ổn định trong các giai đoạn khác nhau của chu kì kinh doanh.
Trong giai đoạn thị trường bị chi phối bởi những thông tin tiêu cực, nhóm ngành phòng thủ là nơi trú ẩn của dòng tiền khi tâm lí rủi ro gia tăng.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM, CHỈ SỐ XÁC ĐỊNH CỔ PHIẾU NGÀNH PHÒNG THỦ
- Nhu cầu thiết yếu, ổn định theo thời gian, ít nhạy cảm với chu kì kinh tế: dù GDP tăng hay giảm, người dân vẫn phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngành đó -> không dễ bị thay thế hay trì hoãn sử dụng.
- Doanh thu phân tán, ít phụ thuộc một vài khách hàng lớn, tỉ trọng tiêu thụ trong nước cao: phục vụ số đông người dân / doanh nghiệp, thị trường trong nước là chính, không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hay đơn hàng lớn từ nước ngoài -> ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan, địa chính trị hay đứt gãy chuỗi cung ứng.
- Có yếu tố nhà nước: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rào cản gia nhập cao, hoặc chịu kiểm soát nhiều từ nhà nước -> cạnh tranh thấp, ổn định hơn.
- Có cổ tức tiền mặt đều đặn: do là những ngành nhu cầu thiết yếu -> dòng tiền đều đặn qua các năm -> giúp doanh nghiệp chi trả cổ tức đều, ít vay nợ, vận hành bền vững.
- Mức beta thấp: do ít nhạy cảm với biến động của thị trường chung -> ngành phòng thủ thường có beta ở mức thấp (<1).
III. ƯU - NHƯỢC ĐIỂM CỦA CỔ PHIẾU NGÀNH PHÒNG THỦ
Ưu điểm | Nhược điểm |
- Cổ tức ổn định: Cổ phiếu phòng thủ mang lại cổ tức đều đặn, đặc biệt trong thời kì khó khăn. - Có khả năng có lợi nhuận tốt hơn các ngành khác trong thời kì kinh tế không ổn định: Cổ phiếu phòng thủ có khả năng đem lại lợi nhuận tốt hơn các ngành khác trong các giai đoạn kinh tế không thuận lợi do ít bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi các tác động từ thị trường. - Rủi ro thấp. - Giảm lo ngại về biến động thị trường: Cổ phiếu phòng thủ giúp nhà đầu tư duy trì sự ổn định trong danh mục đầu tư, giảm bớt lo lắng khi thị trường biến động. | - Tăng trưởng chậm: Vì phục vụ nhu cầu thiết yếu, không có quá nhiều sự đột phá nên doanh thu các ngành phòng thủ thường ổn định, tăng trưởng ở mức thấp. Điều này khiến cổ phiếu thiếu sự bứt phá về giá, khó mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. - Hiệu quả thấp trong thị trường tăng trưởng: Chỉ phát hành tác dụng tốt khi thị trường gặp khó khăn hoặc suy thoái, không tối ưu trong thời kì thị trường tăng trưởng mạnh do không có nhiều sự tăng trưởng bứt phá bằng một số ngành khác. |
IV. MỘT SỐ NHÓM NGÀNH PHÒNG THỦ PHỔ BIẾN
1. Ngành dược phẩm
- Dược phẩm là ngành thiết yếu trong mọi nền kinh tế, phục vụ nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho con người. Ngành này duy trì ổn định bất kể tình hình chiến tranh hay hoà bình.
- Tỉ lệ cổ tức trung bình: 20-30%.
- Kể từ khi có thông tin áp thuế đối ứng 46%, thị trường chứng khoán phản ứng rất tiêu cực với những phiên giảm điểm mạnh liên tiếp từ ngày 3/4 đến nay. Mặc dù cũng giảm theo tâm lí chung của thị trường, tuy nhiên so với chỉ số VN-Index, chỉ số của ngành dược giảm ít hơn. Tính đến ngày 9/4, chỉ số VN-Index đã giảm 17,02% trong khi chỉ số của ngành dược giảm 12,21%.

2. Ngành nước sạch
- Đây là ngành tăng trưởng ổn định khi nhu cầu tiêu dùng nước sinh hoạt tăng trưởng ổn định theo tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp ngành này đều có vị thể độc quyền tại địa phương.
- Tỉ lệ cổ tức trung bình: 12-15%
- So với mức giảm mạnh của Vn-Index, chỉ số ngành nước sạch ít bị tác động hơn khi chỉ giảm 4,4% so với thời điểm trước đó.

3. Ngành điện
- Ngành điện khá là ổn định bởi điện là nhu cầu thiết yếu, tăng trưởng ổn định theo tăng trưởng GDP. Ngoài ra, doanh thu của các doanh nghiệp phần lớn đến từ hợp đồng dài hạn với EVN, do đó đảm bảo được dòng tiền và có ít rủi ro.
- Tỉ lệ cổ tức trung bình: khoảng 5-10%
- Cũng như 2 ngành phòng thủ trên, chỉ số của ngành điện mặc dù có bị ảnh hưởng nhưng không bị nặng nề như chỉ số VN-Index khi chỉ giảm 10,78%.

4. Ngành tiêu dùng thiết yếu - FMCG
- Dù mức độ phòng thủ không cao bằng 3 ngành nên trên, tiêu dùng thiết yếu vẫn được coi là ngành phòng thủ bởi dù kinh tế tăng hay giảm, người dân vẫn cần ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc bản thân. Họ có thể cắt chi tiêu vào du lịch, công nghệ, thời trang,... nhưng vẫn phải mua thực phẩm, sữa,.... Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành này thường có thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối sâu rộng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rất đều và ổn định.
- Tỉ lệ cổ tức trung bình: 5-6%
Tóm lại, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực từ các rủi ro bên ngoài như chính sách thuế quan từ Mỹ, các nhóm ngành phòng thủ trở thành nơi trú ẩn hợp lí cho dòng tiền. Những cái tên nổi bật như nước sạch, điện, dược có khả năng chống chịu tốt hơn và bị tác động ít hơn thị trường nói chung.
Comments