1. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2023
Trong những tháng cuối năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chứng kiến sự phục hồi tích cực. Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 12 tăng 0.1% so với tháng trước và 5.8% so với cùng kì, chủ yếu là từ các ngành sản xuất kim loại (42%) hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu (+26% so với cùng kỳ), sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (+25.5% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, trái với những tín hiệu tăng trưởng cuối năm, chỉ số IIP toàn ngành năm 2023 chỉ tăng 1.5% - mức thấp nhất so với lịch sử giai đoạn 2019 - 2022. Nhìn chung, ngành công nghiệp tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh toàn cầu rơi vào suy yếu.
Ảnh 1. Tốc độ tăng chỉ số IIP qua các năm 2019-2023 (%)
2. Chỉ số PMI năm 2023
Theo công bố của S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuát của Việt Nam đạt 48.9 điểm trong tháng 12, tức là vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành suy giảm tháng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm của chỉ số chậm hơn khi tăng 2.6 điểm so với tháng 11. Mức giảm này phản ánh sức khỏe của ngành sản xuất yếu kém trong hầu hết thời gian năm 2023 chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 2 và tháng 8.
Ảnh 2. Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2023
Kết quả của chỉ số PMI năm 2023 thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Nguyên nhân chỉ số không mấy khả quan do nhu cầu yếu kém góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới tháng thứ hai liên tiếp, sản lượng cũng giảm tương ứng. Trong khi đó, hoạt động mua hàng và việc làm hầu như không thay đổi.
Với kết quả này, S&P Global dự đoán một tương lai khả quan hơn trong năm 2024 cùng sự kỳ vọng nhu cầu về sản xuất sẽ phục hồi trở lại tại thị trường trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến sự ổn định trong việc làm và hoạt động mua hàng của các doanh nghiệp trong tháng 12.
3. Xuất nhập khẩu năm 2023 - Lần đầu tăng trưởng âm sau hơn một thập kỉ
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối mặt với các thách thức từ giảm tăng trưởng kinh tế, lạm phát tiếp tục neo ở mức cao, nhu cầu sản phẩm công nghiệp giảm, kéo theo kết quả sản xuất công nghiệp năm 2023 của Việt Nam không mấy khả quan. Điều này dẫn đến kết quả xuất nhập khẩu tăng trưởng âm của nền kinh tế.
Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6.6% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, kể từ năm 2009 (thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm.
Ảnh 3. Kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2023 (tỷ USD)
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 355.5 tỷ USD giảm 4.4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm; chính sách tiền tệ thắt chặt; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina phức tạp hơn; bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 96.8 tỷ USD (giảm 11.6% so với cùng kỳ), xếp sau là Trung Quốc với 61.7 tỷ USD (tăng 6.4% so với cùng kỳ).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327.5 tỷ USD giảm 8.9% so với cùng kỳ, có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46.8% kim ngạch nhập khẩu. Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 111.6 tỷ USD.
Nhìn chung, nền kinh tế năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, dự phóng năm 2024 sẽ là năm phục hồi của nền kinh tế, các chỉ số về sản xuất công nghiệp và bức tranh xuất nhập khẩu sẽ có kết quả tích cực hơn so với năm trước. Tuy nhiên những vấn đề không lường trước được đến từ địa chính trị sẽ có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế trong năm tới.
Comments