Thách thức toàn cầu đối với ngành nông nghiệp
Biến đổi khí hậu và nhu cầu lương thực toàn cầu ngày càng tăng đang trở thành thách thức toàn cầu khi dân số thế giới dự kiến đạt 9.7 tỷ người vào năm 2050 (theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, 2023). Song song với đó, xu hướng người tiêu dùng đang chuyển dịch rõ rệt sau đại dịch: 73% người tiêu dùng có xu hướng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và được sản xuất bền vững (Theo FAO và Neilson). Để đáp ứng những thách thức và nhu cầu này, nông nghiệp công nghệ cao (AgriTech) đang trở thành xu hướng đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của Research and Markets (2024), thị trường AgriTech toàn cầu đã đạt 24,19 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 14,38% trong giai đoạn 2024-2029. McKinsey (2023) ước tính rằng việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp có thể tạo ra giá trị kinh tế từ 465-500 tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc tăng năng suất và giảm lãng phí các nguồn tài nguyên.
Đầu tư toàn cầu vào Agritech và các mô hình thành công
Bắc Mỹ hiện đang dẫn đầu về số lượng startup công nghệ cao với Hoa Kỳ là thị trường có nhiều Startup Agritech nhất, sở hữu gần 4000 Startup (AgTech Breakthrough, 2023). Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đầu bởi Trung Quốc, chiếm 20% thị phần và đang tăng trưởng nhanh nhất (Markets & Markets, 2023). Đáng chú ý, Israel và Hà Lan đã vươn lên trở thành hai trung tâm đổi mới AgriTech hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nhà kính và nông nghiệp đô thị.
Điển hình cho sự thành công của AgriTech là BrightFarms tại Mỹ, startup này đã huy động thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D năm 2020. Với mô hình nhà kính thông minh ứng dụng công nghệ thủy canh, BrightFarms đã cung cấp rau sạch cho hơn 2.000 siêu thị và đạt tỷ suất hoàn vốn tốt sau 3 năm vận hành. Plenty (Mỹ) đã đạt định giá 1 tỷ USD nhờ công nghệ vertical farming kết hợp AI, giúp tăng năng suất gấp 350 lần so với canh tác truyền thống và tiết kiệm 90% lượng nước sử dụng. Các nhà đầu tư lớn như Temasek Holdings, Tiger Global Management, Tencent đang tích cực rót vốn vào lĩnh vực Agritech với tổng giá trị đầu tư từ các nhà đầu tư hàng đầu vượt 7.5 tỷ USD. Ngành công nghiệp Agritech hiện có hơn 153,600 công ty, tạo ra hơn 600,000 việc làm mới trong năm 2023 và sở hữu hơn 52,800 bằng sáng chế.
Nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam: chính sách và thành tựu
Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư và phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2023, cả nước có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung Bộ); 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 18.089 hecta. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thông qua Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo và miễn tiền thuê đất 15 năm.
Một số chính sách về nông nghiệp Công nghệ cao tại Việt Nam
Kể từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2008, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
[1] Năm 2012, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định 1895/QĐ-TTg) đã đặt nền móng cho chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2020.
[2] Năm 2014, Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển (Quyết định 66/2014/QĐ-TTg), tạo định hướng rõ ràng cho các nhà đầu tư.
[3] Năm 2015, Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định 575/QĐ-TTg) đã vạch ra lộ trình phát triển đến năm 2030.
[4] Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao (Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN), tạo chuẩn mực cho việc phát triển ngành.
[5] Đặc biệt, Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo và miễn tiền thuê đất 15 năm.
Những chính sách này đã thúc đẩy các doanh nghiệp và hợp tác xã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp tạo ra nhiều mô hình tiên phong trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ mà còn giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những trọng tâm, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững. Điều này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Lĩnh vực phát triển chính và mô hình tiêu biểu
Các mô hình đầu tư tiềm năng tại Việt Nam đang có những bước phát triển trong thời gian gần đây, trong đó nổi bật là mô hình trang trại thông minh (Smart Farm). Mô hình này ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào quản lý, hoạch định sản xuất nông nghiệp thông qua việc tích hợp các thiết bị IoT, hệ thống cảm biến và tự động hóa. Thông qua việc phân tích dữ liệu, Smart Farm giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu lãng phí nguồn lực.
Trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình nhà kính thông minh đã chứng minh được hiệu quả có thể tăng năng suất lên 300% và tiết kiệm 70% lượng nước sử dụng. WinEco với khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng trên diện tích 3.000 ha, ứng dụng công nghệ từ Israel và Nhật Bản, đã cung cấp 2 ngàn tấn nông sản/tháng chủ yếu thông qua hệ thống gần 2.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/VinMart+ trên toàn quốc, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, có truy xuất nguồn gốc cho các khu đô thị lớn. Nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Trong ngành rau củ quả, thị trường ngành nông nghiệp đã đạt quy mô 1,5 tỷ USD vào năm 2023, với mức tăng trưởng ổn định 15%/năm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình thông minh đang được triển khai rộng rãi với quy mô đầu tư trung bình 15-20 tỷ đồng cho mỗi trang trại. TH True Milk là một điển hình về việc ứng dụng công nghệ Israel vào sản xuất, với công suất đạt 500 triệu lít sữa/năm. Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng đang có những bước tiến đáng kể khi áp dụng công nghệ cao. Xu hướng hợp tác đầu tư cũng đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều ông lớn đã bắt tay với các doanh nghiệp Việt đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam: De haus cùng Tập đoàn Hùng Nhơn đã triển khai đầu tư 1500 tỉ vào khu nông nghiệp công nghệ cao. Sự phát triển này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng Việt.
Hướng tới phát triển bền vững
Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Các mô hình sản xuất hiện đại giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế sử dụng hóa chất. Việc ứng dụng công nghệ cao còn giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.
Kết luận
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của an ninh lương thực và chất lượng nông sản ngày càng cao. Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự quan tâm đầu tư từ cả khối doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng chuỗi giá trị bền vững là yếu tố quyết định để nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.
Yorumlar