top of page

Cơ chế thử nghiệm "Cho vay ngang hàng" (P2P Lending)

  • Ảnh của tác giả: Virtus Prosperity
    Virtus Prosperity
  • 20 thg 5
  • 1 phút đọc


Nghị định 94/2025/NĐ-CP, ban hành ngày 29/04/2025 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Nghị định này nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) một cách an toàn và hiệu quả, đặc biệt tập trung là cơ chế cho vay ngang hàng.


Việc đưa vào thử nghiệm có kiểm soát giúp Nhà nước đánh giá rủi ro và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của hoạt động cho vay ngang hàng nhằm phù hợp, tránh tình trạng mô hình phát triển tự phát (tín dụng đen) và gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ứng dụng công nghệ để kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, từ đó,  tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp nhỏ, giúp tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi trong xã hội.


Nội dung chính của cơ chế Cho vay ngang hàng theo Nghị định 94:

NỘI DUNG

QUY ĐỊNH

Khái niệm

Công  ty cho vay ngang hàng: là công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng cho khách hàng.

  • Công ty Fintech (công ty công nghệ tài chính): là tổ chức không phải tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài; có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ VN; độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với các tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp ra thị trường.

  • Giải pháp cho vay ngang hàng: là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin do Công ty cho vay ngang hàng cung cấp để kết nối thông tin, hỗ trợ giao kết hợp đồng trên nền tảng số giữa khách hàng là bên đi vay và bên cho vay. Đồng tiền sử dụng trong giải pháp cho vay ngang hàng là đồng Việt Nam.

  • Khách hàng: là tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp đồng và trực tiếp sử dụng giải pháp Fintech của tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.

Thời gian thử nghiệm

  • Tối đa 2 năm, kể từ khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.

  • Có thể gia hạn thêm không quá 01 năm/lần gia hạn, được gia hạn không quá 02 lần.

Phạm vi thử nghiệm

  • Giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.

  • Tổ chức tham gia chỉ được cung cấp các giải pháp Fintech trong phạm vi được quy định tại Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.

Điều kiện tham gia thử nghiệm

  1. Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

  2. Không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

  3. Người đại diện theo pháp luật, TGĐ/GĐ công ty: phải có bằng Đại học trở lên (ngành KT, QTKD, Luật, CNTT), có ít nhất 02 năm kinh nghiệm là người quản lý, điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có quốc tịch VN. Không có án tích, không bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, an ninh mạng. Không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, ngân hàng, cầm đồ, đa cấp.

  4. Giải pháp Fintech phải đáp ứng các điều kiện: (i) nội dung và nghiệp vụ mà quy định pháp luật hiện hành còn chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng; (ii) có tính đổi mới sáng tạo; (iii) đem lại lợi ích, giá trị gia tăng; (iv) đã thiết kế, xây dựng được khung pháp lý quản lý rủi ro, và có các phương án xử lý khắc phục rủi ro, phương án bảo vệ người tiêu dùng; (v) phải có tính khả thi để cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm.

  5. Có biện pháp để xác định và quản lý dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại giải pháp do mình cung cấp;

    (Thống đốc NHNN quyết định dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại một và toàn bộ các giải pháp cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm)

  6. Việc giải ngân, thanh toán khoản vay, lãi, phí cho các giao dịch của khách hàng phải thực hiện thông qua TK thanh toán hoặc ví điện tử của khách hàng.

  7. Có biện pháp kiểm soát Thời giạn HĐ giữa bên đi vay và bên cho vay, giữa bên cho vay sử dụng giải pháp cho vay ngang hàng không vượt quá 2 năm.

  8.  Hệ thống CNTT, lưu trữ thông tin phải đặt trong lãnh thổ Việt Nam.

Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm

Bước 1: Nộp hồ sơ 

  • Tổ chức có nhu cầu tham gia nộp hồ sơ tại bộ phận Một cửa của NHNN 

  • Trong 05 ngày làm việc, NHNN có văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ hoặc ra văn bản yêu cầu tổ chức tham gia bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

  • Trong 90 ngày làm việc, NHNN phối hợp với các Bộ liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ (bao gồm cả thẩm định tại chỗ nếu cần thiết).

  • Trường hợp hồ sơ cần giải trình thì NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia giải trình, hoàn thiện hồ sơ 01 lần trong vòng 30 ngày làm việc.

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm

  • Sau thời hạn thẩm định hồ sơ, NHNN cấp GCN tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với tổ chức có hồ sơ đáp ứng các điều kiện và tiêu chí

  • Trường hợp từ chối thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do

Bước 4: Triển khai thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng

  • Trong 90 ngày, kể từ khi cấp GCN, tổ chức được cấp GCN phải tiến hành triển khai giải pháp cho vay ngang hàng. 

  • Trường hợp không triển khai thực hiện mà không vì lý do bất khả kháng sẽ bị thu hồi GCN.

Báo cáo và Cung cấp thông tin

  • Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm “Báo cáo định kỳ” (hàng Quý) hoặc cung cấp thông tin đột xuất về: quá trình thử nghiệm, các rủi ro phát sinh, kết quả triển khai thử nghiệm cho NHNN.

  • Tối thiểu 90 ngày trước khi kết thúc thời gian thử nghiệm, tổ chức tham gia có trách nhiệm “Báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm” theo quy định của Nghị định 94 cho NHNN. 

  • Tổ chức cho vay ngang hàng có trách nghiệm thực hiện báo cáo thông tin tín dụng khách hàng (bao gồm bên đi vay và bên cho vay) cho CIC theo quyết định của Thống đốc NHNN.

Kết thúc thời gian thử nghiệm

NHNN căn cứ vào “Báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm” của các tổ chức tham gia để có phương án xử lý tiếp theo sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm bao gồm:

  • Dừng thử nghiệm và thu hồi GCN tham gia Cơ chế thử nghiệm

  • Gia hạn thời gian thử nghiệm

  • Cấp GCN hoàn thành thử nghiệm (có thể triển khai ra thị trường)


Comments


CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

Tòa nhà ATS, 252 Hoàng Quốc Việt,

phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

VIRTUS PROSPERITY ASIA PTE. LTD.

14 Robinson Road #08-01A, Far East Finance Building, Singapore

(+84) 89 98 66 898

Về chúng tôi

Dịch vụ cung cấp

Khám phá thêm

Tư vấn Tài chính

Quản lý Gia sản

Đầu tư

linkedin Virtus.png
  • LinkedIn
  • Facebook

Copyright © 2024 CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

bottom of page