Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 (Luật các TCTD 2024) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, có một số điểm mới nổi bật thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua, cụ thể:
1. Mở rộng định nghĩa về các bên liên quan cần công bố thông tin
Tại khoản 24, Điều 4 của Luật các TCTD 2024 đã mở rộng thêm đối tượng thuộc bên có liên quan, cụ thể: công ty con của công ty con của TCTD, mở rộng phạm vi thành viên gia đình trong 3 thế hệ của cá nhân (mở rộng thêm cháu, cô/dì/chú/bác, ông bà).
Quy định nêu trên đã bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan, góp phần minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD.
2. Bắt buộc phải công bố thông tin đối với cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ
Tại khoản 2, Điều 49 Luật các TCTD 2024 đã mở rộng thêm đối tượng cần cung cấp, công bố công khai thông tin cụ thể: Cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp cho TCTD các thông tin, bao gồm (i) thông tin pháp lý cá nhân, thông tin về người liên quan, (ii) số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và của người có liên quan của mình tại TCTD đó.
Quy định mới này giúp tăng cường tối đa tính minh bạch của thông tin liên quan đến sở hữu cổ phần của các TCTD trong nền kinh tế.
3. Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa tại tổ chức tín dụng
Tình trạng sở hữu chéo, chi phối TCTD vốn là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, tại Điều 63, Luật các TCTD 2024 đã đưa ra các quy định mới giúp thiết lập rào cản tốt hơn về sở hữu chéo.
Cụ thể, cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; mức sở hữu tối đa đối với cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; và mức sở hữu tối đa đối với cổ đông và các bên liên quan giảm từ 20% xuống 15% (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Thay đổi này không áp dụng hồi tố, trong đó các cổ đông vượt quá giới hạn có thể duy trì quyền sở hữu hiện tại nhưng không tăng thêm.
Quy định mới này giúp tăng tính đại chúng của TCTD, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng. Đồng thời, tách bạch giữa hoạt động quản trị với hoạt động điều hành, đáp ứng rất tốt nguyên tắc quản trị minh bạch trong tổ chức kinh doanh mà các định chế tài chính quốc tế khuyến cáo. Bên cạnh đó góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của TCTD.
Tuy nhiên, biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn này có thực sự xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD như thời gian vừa qua hay không, quan trọng vẫn nằm ở việc thanh tra, giám sát thực thi có hiệu quả của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Hạ tỷ lệ đối với giới hạn cấp tín dụng
Về giới hạn cấp tín dụng, Điều 136 Luật các TCTD 2024 quy định các ngân hàng có thể cho vay tối đa 10% tổng vốn chủ sở hữu ngân hàng đối với một khách hàng (giảm từ mức 15% trước đây) và 15% tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng đối với một nhóm khách hàng và người có liên quan (giảm từ mức 25% trước đây). Việc cho vay vượt quá mức này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến 1/1/2027, xuống 13% và 21%; đến 1/1/2028 xuống 12% và 19%; đến 1/1/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định.
Việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan này nhằm giúp đa dạng hoá danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho ngân hàng.
Tuy nhiên, những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới.
Với lộ trình giảm dần tỷ lệ, nhận định rằng các ngân hàng có quy mô lớn gần như không bị ảnh hưởng đáng kể nhờ xu hướng tăng tỉ trọng cho vay nhỏ lẻ và tăng vốn trong nhiều năm qua, riêng các ngân hàng có vốn nhỏ và vừa, hoặc có tỉ trọng cho vay doanh nghiệp cao sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Do đó, quy định này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn.

5. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm
Một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm trong việc thay đổi của Luật các TCTD đó là quyền chuyển nhượng tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.
Cụ thể, tại khoản 3, Điều 200 (có hiệu lực từ 01/01/2025) đã ghi nhận quy định mới về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Quy định mới này giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.
Tuy nhiên, Luật các TCTD mới đã bỏ đi quy định về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” của TCTD gây ra những lo ngại về việc chậm trễ trong quá trình thu hồi tài sản nếu bên bảo đảm không hợp tác. Cần thiết phải có những quy định rõ ràng hơn của cơ quan chức năng về “thu giữ tài sản đảm bảo” để hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
6. Can thiệp sớm vào tổ chức tín dụng khi có dấu hiệu yếu kém
Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật các TCTD 2024 đã bổ sung hẳn một chương gồm 06 Điều luật (từ Điều 156 – 161) quy định về các biện pháp can thiệp sớm đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 156, cụ thể: i) Số lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ; ii) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định; iii) Vi phạm tỷ lệ khả năng chỉ trả hoặc tỷ lệ an toàn vốn; iv) Bị rút tiền hàng loạt. Từ đó, yêu cầu tổ chức tín dụng cập nhật, thực hiện ngay phương án khắc phục quy định tại Điều 143 hoặc xây dựng phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158.
Một trong những điểm mới của Luật các TCTD 2024 là bổ sung biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm. Việc bổ sung giải pháp này là nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của TCTD, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
Quy định can thiệp sớm các TCTD yếu kém sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn hiện tại. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được công bố của các TCTD.
7. Nghiêm cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc như một phần gắn liền với sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tín dụng cung cấp
Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (tại Điều 5, Điều 113), Luật quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Quy định mới nhằm hạn chế hành vi vi phạm của nhân viên TCTD như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm bắt buộc gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.
Với quy định mới này, hoạt động đại lý bảo hiểm của Ngân hàng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ hoạt động này của các ngân hàng sẽ chậm lại so với giai đoạn trước đó.
Kết luận
Luật các TCTD 2024 hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động của ngành ngân hàng, cụ thể là liên quan đến quyền sở hữu, và cho vay các bên liên quan. Việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau.
Nhìn chung những thay đổi của Luật các TCTD 2024 sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn của ngành ngân hàng, có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
Với lĩnh vực đầu tư tài chính, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các quy định ảnh hưởng đến yêu cầu về vốn, tính toán rủi ro của ngân hàng, vì đó sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp lên tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE). Với Luật mới, chúng tôi thấy rằng không xuất hiện các quy định điều chỉnh gây thay đổi cơ cấu đến ROE và chỉ nhằm mục tiêu quản lý ngành Ngân hàng tốt lên.
Comments